Ngày đầu mới sinh, mẹ mong sữa mau về để kịp cho con bú, nhưng éo le thay sữa không chỉ nhỏ giọt mà còn phải nặn mãi mới ra. Con tích cực mút ti mẹ đến lõm cả má mà chẳng có chút sữa nào khiến con hờn khóc váng phòng. Ai ngờ đâu qua ngày thứ hai sữa về ồ ạt, và ngày thứ ba mẹ chính thức bị căng sữa vô cùng khó chịu: vừa đau nhức, vừa sưng cứng và lại còn nóng sốt nữa…
Hầu như mẹ nào cũng thế, nhất là với những mẹ ngực nhiều sữa thì giai đoạn cương sữa thật đáng sợ. Ban đầu là hiện tượng ngực lớn dần như quả bóng đang thổi, sau đó ngực ngày càng nặng và bắt đầu chuyển sang đau nhức, sữa có thể bắn ra thành tia nếu như con bú, tiếp đó ngực bị sưng từng mảng, sờ vào cứng và đau nhức; cuối cùng mẹ sẽ phát sốt vì cương sữa.
Cái trải nghiệm ngực cương sữa thật khó chịu. Ngực sưng từng cục như nổi hạch, lan tới cả nách, đau nhói. Ở bất kỳ tư thế nào cũng khiến mẹ bị đau: nằm ngửa cũng đau, nằm nghiêng cũng đau, hai tay phải khuỳnh khuỳnh vì cứ buông thõng tay là đau nhức từ nách tới ngực.
Sữa mẹ về nhiều đến độ con bú nhiều thế nào cũng không hết, mà càng cho con bú thì sữa lại càng tái tạo nhanh và về nhiều hơn.
Nguyên nhân của tình trạng cương sữa có thể do mẹ không cho bé bú thường xuyên trong vài ngày đầu sau khi sinh (các mẹ thường cho con bú dặm sữa ngoài, trong khi chỉ cần mất một cữ sữa mẹ là ngực mẹ căng tràn sữa). Ngoài ra, cũng có thể do mẹ mặc áo ngực quá chật hoặc ống dẫn sữa bị tắc nghẽn (tắc tia sữa) cũng gây nên tình trạng căng sữa.
Vậy làm cách nào để giảm tình trạng đau và sốt khi cương sữa?
Rất may, tình trạng căng sữa này chỉ diễn ra những ngày đầu mới sinh, hoặc với những mẹ thực sự nhiều sữa. Khi cơn căng sữa qua đi, ngực của mẹ sẽ mềm hơn dù vẫn đầy ắp sữa. Nếu không cho bé bú, mẹ nên nặn hoặc dùng máy hút sữa để giảm áp lực lên ngực và hạ thấp nguy cơ bị viêm vú; và mẹ có thể phối hợp các cách sau đây để vượt qua giai đoạn khó khăn này:
1. Cho bé bú càng sớm càng tốt. Tốt nhất là trong vòng 2 tiếng sau khi sinh. Khi sữa về, mẹ nên cho bé bú thường xuyên (từ 8-12 lần/ngày; cách 2-3 tiếng/lần);
2. Cho bé bú đúng cách: bú xong một bên ngực rồi hãy chuyển sang bên còn lại. Thông thường bé sẽ bú trong khoảng 10-20 phút cho mỗi bên. Mỗi lần cho bé bú, mẹ nên dùng tay xoa bóp bầu ngực để kích thích tiết sữa;
3. Trong trường hợp bé bú nhưng sữa mẹ vẫn nhiều, hãy vắt sữa để giảm tình trạng cương sữa. Trước khi vắt sữa hãy massage để các mảng sưng mềm lại và mẹ đỡ đau khi tiến hành các thao tác vắt sữa;
4. Nếu ngực vẫn cương và đau, mẹ dùng khăn ấm đặt lên ngực và day nhẹ để làm tan các cục sữa đang gây sưng. Cách này sẽ làm mẹ giảm bớt cơn đau;
5. Mát-xa bầu ngực bé đang bú giúp kích thích tuyến sữa và giảm căng cứng;
6. Đặt khăn lạnh hoặc túi chườm đá lên ngực trong khoảng 10 phút sau khi cho bé bú để giảm sưng và đau;
7. Chọn những loại áo ngực dành cho mẹ đang cho con bú, áo phải vừa vặn và thoải mái;
8. Nếu mẹ bị sốt hơn 38 độ C, gọi bác sĩ gấp vì có thể mẹ bị viêm vú.
Mặc dù sự căng tức sữa có thể khiến mẹ sợ mỗi khi cho con bú, vì con bú sẽ làm mẹ đau hơn. Nhưng chỉ cần vượt qua cơn đau này, cả hai mẹ con sẽ củng cố tình cảm khắng khít nhiều hơn.
BAMBOOS - Nhà phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe UY TÍN